Thương vụ thoái vốn Sabeco đã thành công với việc Bộ Công Thương bán được toàn bộ số cổ phần tương đương 53,59% vốn điều lệ của doanh nghiệp này với giá 109.972 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,8 tỷ USD, cho ThaiBev – một hãng đồ uống của Thái Lan.
Tuy nhiên, dư luận lại băn khoăn rằng, qua thương vụ này, thương hiệu Sabeco dưới sở hữu của ThaiBev có vươn mình ra thị trường quốc tế, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu chung của bia Việt với hương vị, bản sắc riêng.
Dấu hiệu tích cực
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, nhà đầu tư bỏ ra khoảng 5 tỷ USD là một số tiền rất lớn để mua thương hiệu nên không thể hủy hoại thương hiệu. Cho nên vấn đề đó không cần phải lo. Thay đổi thương hiệu không phải dễ vì mỗi nước khẩu vị khác.
Có khi đưa bia Thái vào sẽ phải mất thời gian và tiền bạc để quảng bá thương hiệu xúc tiến chứ không phải đơn giản. Thương hiệu Bia Sài Gòn 140 năm rồi không doanh nghiệp nào dại gì mà hủy hoại thương hiệu. Thực tế cho thấy, bia Thái đã bán vào Việt Nam từ năm 2016 nhưng lượng tiêu thụ cực ít vì chưa hợp gu người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Hải lý giải thêm rằng, điều đầu tiên cần được nhắc tới là khi bán vốn tại những doanh nghiệp lớn, giá trị thương hiệu nhất thiết phải được đưa vào định giá doanh nghiệp. Bởi vậy, nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phần cũng chính là mua thương hiệu đó. Trong trường hợp cụ thể của Sabeco, sau gần chục năm được cổ phần hóa, Tổng công ty này vẫn chưa có nhiều thay đổi về mặt quản trị doanh nghiệp nhưng kết quả kinh doanh vẫn rất tích cực.
Sabeco hiện chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt Nam - vốn được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng trưởng. Vì thế, chắc chắn không có “ông chủ mới” nào lại đi “buông bỏ” một thương hiệu mạnh trong ngành - thứ mà họ đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để có được quyền sở hữu.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Tiến Quyết cho biết, Chính phủ đang kêu gọi và không phân biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà đầu tư trong nước mà làm được thì chúng tôi khuyến khích và có cơ chế cơ chế khởi nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, đối với những thương vụ lớn như thế này thì đòi hỏi phải là doanh nghiệp có tiềm lực thì mới có thể mua được và mua với giá cao. Còn việc tiếc nuối thì rõ ràng trong vấn đề này, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công thương đề nghị nhà đầu tư phải cam kết giữ thương hiệu Việt vì đây là thương hiệu của quốc gia. Do đó, việc nhà đầu tư có vi phạm hay không thì rõ ràng họ đã cam kết nên phải thực hiện. Nếu họ làm sai thì họ sẽ bị xử phạt như trong cam kết.
Lợi thế thương hiệu
Mặc dù bản thân ThaiBev chỉ mới được thành lập từ năm 2003 nhưng nếu tính cả quá trình hình thành và phát triển của 58 công ty đồ uống trước khi sáp nhập thành ThaiBev ngày nay thì ThaiBev đã có lịch sử phát triển lâu dài. Với thâm niên như vậy, ThaiBev thừa chín chắn và kinh nghiệm để đưa Sabeco phát triển đúng hướng.
Ngoài ra, ThaiBev đã từng lập nên kỳ tích khi đưa Chang Beer (bia Chang) vượt mặt mọi đối thủ trở thành “quốc bia” của Thái Lan. Ngày nay, Chang Beer được biết đến trên khắp thế giới như một biểu tượng của “xứ sở nụ cười”, liên tục được vinh danh tại nhiều giải thưởng quốc tế, có mặt tại hơn 50 nước trên khắp thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Châu Âu và nhiều nơi tại Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông…
Mặc dù bia Sài Gòn của Sabeco là một thương hiệu lớn nhưng vẫn đang phải tìm phương hướng vươn ra khỏi thị trường miền Nam trong khi ở thị trường phía Bắc vẫn còn có thương hiệu Habeco đang thống lĩnh thị trường. Không kể đến những nỗ lực xuất khẩu sản phẩm nhỏ lẻ ra nước ngoài thì Sabeco, nếu không có một cú hích về cả tài chính và chiến lược thì cũng khó có cơ hội tìm kiếm chỗ đứng trên trường quốc tế.
Trong khi đó, bản thân ThaiBev là một “người khổng lồ” trong ngành đồ uống, sở hữu nhiều nhà máy tại khắp các châu lục và những thương hiệu tỷ USD. Việc bỏ ra đến 5 tỷ USD vào Sabeco đủ chứng minh rằng ThaiBev cực kỳ nghiêm túc và coi trọng dự án Sabeco và chắc chắn sẽ đầu tư những nguồn lực tốt nhất để phát huy hiệu quả tối đa của khoản đầu tư này. Hơn nữa, ThaiBev lại không hành động một mình mà được sự hậu thuẫn của cả một Tập đoàn TCC hùng mạnh với hệ thống bán lẻ khổng lồ mà đứng sau là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi với khối tài sản kếch xù lên đến hàng chục tỷ USD.
Khi gia nhập vào ngôi nhà ThaiBev, bia Sài Gòn sẽ sánh vai cùng những tên tuổi như Chang Beer, Mekhong, SangSom rum trong hệ thống phân phối của Tập đoàn TCC tại nhiều nước như Lào, Campuchia, Myanmar và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Khi đó, không khó để bia Sài Gòn bay cao, bay xa, khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu chung của bia Việt với hương vị, bản sắc riêng.
Rõ ràng chúng ta phải chấp nhận, còn tiếc nuối thì ai cũng tiếc nuối. Nhưng tiếc nuối phải gắn với sự phát triển, nêu chúng ta tiếc nuối mà ôm cái cũ để trì trệ không phát triển thì chúng ta cũng không làm được gì cho đất nước nên chúng ta cũng phải chập nhận, phải kêu gọi các nhà đầu tư. Nhất là hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn lực.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những công ty nhà nước đang và sẽ cổ phần hóa chưa phải là công ty có thương hiệu quốc gia mà chỉ mới nổi tiếng trong lãnh thổ Việt Nam, chưa xây dựng được thương hiệu ra bên ngoài. Hy vọng sau khi thoái vốn, với sự trợ giúp lớn hơn về vốn, công nghệ, quản trị, chiến lược từ những nhà đầu tư ngoại, Vinamilk hay Sabeco sẽ vươn ra đấu trường quốc tế mạnh mẽ hơn.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, quyết tâm luôn phải đi cùng hành động cụ thể, nếu ở trên “sôi sục”, mà ở dưới vẫn “dửng dưng” thì hiệu quả công tác cổ phần hóa chỉ đạt được mặt “hình thức”. Và điều quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa thoái vốn phải được nâng cao.
https://tapchitaichinh.vn/dung-lo-mat-thuong-hieu.html