Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện cũng phát triển vươn lên như một điều tất yếu trong cuộc sống hiện đại, mặc nhiên trở thành một trong những nghề “thời thượng” được nhiều bạn trẻ quan tâm lựa chọn. Theo đó ngành Truyền thông đa phương tiện là gì? Ra trường làm gì?” là câu hỏi đang được đặc biệt quan tâm đối với những ai muốn tìm hiểu và theo đuổi ngành học hấp dẫn này.

 
"Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì? Ra trường làm gì?", chúng ta hãy cùng tìm hiểu, trả lời và định hướng tương lai các bạn nhé.

Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì?  

Như một kết quả tất yếu, công nghệ càng phát triển thì truyền thông càng lên ngôi. Nếu như trước đây, truyền thông chỉ được hiểu là những bài viết, những mẫu quảng cáo đơn giản được đăng trên các tờ báo giấy hay truyền hình thì ngày nay thông điệp truyền thông được truyền tải ngày càng tinh tế, hiện đại và phong phú hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thông qua các phương tiện như: văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, tương tác,… Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, kiến thức của các cử nhân Truyền thông đa phương tiện.
 
 

Do đó, có thể hiểu ngành Truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin,…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình…), y học (mô phỏng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan…) và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Sinh viên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật và công nghệ thông tin, kiến thức chuyên sâu cùng những kỹ năng thuần thục về báo chí, truyền thông và quảng cáo để có thể viết các ấn phẩm báo chí, biên tập và thiết kế sách báo, chế bản điện tử, sáng tạo nội dung video, làm phong phú nội dung website bằng cách ứng dụng các hiệu ứng đồ họa hiện đại. Ngoài ra, tại những trường đại học đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện uy tín như Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)… Sinh viên còn được tiếp cận những kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video; kỹ năng thiết kế, tạo ra các sản phẩm đồ họa phục vụ cho truyền thông, quảng cáo, giải trí; kỹ năng tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện tương tác như: Kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, game, website, đồ họa mô phỏng,…  để có thể đáp ứng tốt và toàn diện những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.


 
Đối với trình độ đại học, ngoài khối lượng kiến thức đại cương, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện có thể lựa chọn một trong hai chuyên ngành Truyền thông báo chí đa phương tiện hoặc Truyền thông thiết kế multimedia để theo học.
- Đối với chuyên ngành Truyền thông báo chí đa phương tiện: sinh viên sẽ được học thien về nội dung báo chí để có thể làm việc trong bất kì loại hình báo chí nào như: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Các sinh viên được đào tạo theo mô hình nhà báo đa kỹ năng, có thể hoạt động độc lập, năng động phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
- Còn chuyên ngành Truyền thông theo hướng thiết kế multimedia: đào tạo sinh viên thiên về khả năng thiết kế để có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng Illustrator, Photoshop, InDesign,… và các phầm mềm thiết kế, dựng phim khác. Quan trọng nhất là kỹ năng vận dụng tất cả các kiến thức đó để tạo ra sản phẩm đẹp mắt, đúng ý tưởng, đúng mục đích, phục vụ cho công việc và cho khách hàng.

Học ngành Truyền thông đa phương tiện ra trường làm gì?

Sau khi tốt nghiệp, tùy thuộc vào chuyên ngành mà Cử nhân Truyền thông đa phương tiện có thể làm việc ở rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, với các công việc như:
- Quản lý, biên tập, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, bìa sách (tại các cơ quan báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản)
- Biên tập, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung truyền hình, hay làm các kỹ xảo điện ảnh (tại các công ty truyền hình, hãng sản xuất phim)
- Chuyên gia thiết kế, tư vấn quảng cáo, thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, làm phim quảng cáo,… hoặc một hệ thống nhận dạng thương hiệu (tại các công ty quảng cáo, PR)
- Thiết kế, xây dựng website, thiết kế giao diện, thiết kế chức năng, xây dựng nội dung (tại các công ty phát triển phần mềm, tạo dựng website)
- Thiết kế đồ họa, mô phỏng, ứng dụng trong y học, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục,… (tại các công ty về thiết kế đồ họa)
- Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học hoặc trung cấp chuyên nghiệp có liên quan đến ngành.
 
Theo nhận định, truyền thông - quảng cáo đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại và Truyền thông đa phương tiện được đánh giá là một trong năm nghề “hot”  khi Việt Nam gia nhập WTO. Không chỉ các công ty truyền thông, quảng cáo, tòa soạn, đài truyền hình mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đều sẵn sàng đưa ra mức lương cao để chiêu mộ những chuyên gia truyền thông giỏi.


Để tự tin nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp này, ngoài việc giỏi chuyên môn, phát huy tính sáng tạo, khả năng tư duy, làm việc logic, thì tại HUTECH- một trong những trường đại học uy tín đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện … sinh viên còn được chú trọng nâng cao kỹ năng tiếng Anh, trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng,… thông qua các chương trình hội thảo, tọa đàm với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông - báo chí, giới thiệu sinh viên thực tập tại các tòa soạn báo, đài truyền hình, công ty truyền thông,… uy tín để các Cử nhân Truyền thông đa phương tiện tương lai luôn sẵn sàng và tự tin hội nhập, khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.
 
Với những thông tin vừa cung cấp, có lẽ những thắc mắc “ngành truyền thông đa phương tiện là gì? Ra trường làm gì?” đã được giải đáp khá rõ. Hy vọng rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các bạn xác định được hướng đi cho tương lai nghề nghiệp của mình.